Tôi đã từng nghe về vải Vintage
nhưng hôm nay mới dành chút thời gian tìm hiểu xem nó là loại vải gì và phong
cách Vintage nghĩa là làm sao. Người bán vải Vintage giải thích như thế nào về
loại vải “đặc biệt” mà họ cung cấp.
Bắt đầu tìm hiểu từ bách khoa
toàn thư (http://en.wikipedia.org) với từ
“vintage clothing” thì tôi lại phải tìm hiểu ngược về chữ “antique”. Các bạn học tiếng Anh hẳn sẽ tra được nghĩa của
từ antique nghĩa là đổ cổ (quá thời). Một vật phẩm đồ cổ chính hiệu “genuine
antique” thường đề cập đến vật có tuổi thọ ít nhất 100 tuổi, cũng có khi đại diện
cho một niên đại, giai thoại lịch sử nào đó. Các quốc gia khác nhau lại định
nghĩa, nhìn nhận khái niệm antique cũng không giống nhau. Thêm nữa, thực tế các đồ dùng sở hữu “tuổi thọ” ngắn hơn cũng được xem là cổ rồi: ví dụ xe hơi đạt
tối thiểu 25 năm sẽ được gọi là xe cổ. Vậy còn đối với vải vóc antique thì sao?
Theo cách nói thông thường, vải
antique/ quần áo antique là những sản phẩm may mặc được sản xuất trước năm
1920. Những quần áo, vải vóc được sản xuất sau năm 1920 đến 20 năm trước thời
điểm hiện tại thì được gọi là “vintage” hay “vintage clothing”. Tôi mở từ điển
tra chữ “vintage” thì chỉ nhận được nghĩa liên quan đến việc hái nho và rượu chất
lượng cao được sản xuất năm nào mà thôi! Ở một chừng mực nào đó, người ta đã “lạm dụng”
từ vintage với mục đích chủ yếu tiếp thị sản phẩm của mình (marketing purpose)
cho các sản phẩm có tuổi đời 50-100 năm.
Tương tự đối với lĩnh vực thời trang, “vintage
clothing” dùng để đề cập đến sản phẩm may mặc của những kỷ nguyên trước. Xu hướng
thời trang thường thay đổi, thậm chí có những xu hướng quay ngược trở lại phong cách xưa
mà người ta đặt tên cho nó là “phong cách Vintage”, “Vintage style”, riêng giới học thuật
dùng cái tên Retro (viết tắt của retrospective).
Ngày nay người ta nhắc
đến phong cách vintage nói chung và vải vintage nói riêng với ngụ ý rằng các sản
phẩm đó “bắt chước” phong cách xưa (phổ biến là phong cách Châu Âu) thể hiện
qua kiểu cách, họa tiết, gam màu,… Các
nhà thiết kế thời trang đã tiếp tục lấy ý tưởng từ phong cách Vintage (mà hiếm
khi thấy ai nó là phong cách cổ, chỉ nói chung chung là phong cách Vintage);
theo đó là sản phẩm vải vóc, quần áo theo kiểu vintage đã được cung cấp đại trà
trên thị trường hoặc thiết kế chuyên biệt cho vài cá nhân nhỏ lẻ.
Khi đã tìm hiểu đến đây thì tôi
cho rằng loại vải Vintage không phải là một loại vải “đặc biệt” nếu xét về mặt
chất liệu và chất lượng hay tuổi đời của nó. Vải Vintage hoặc thời trang
Vintage chỉ là cách nói gọn của phong cách, thị hiếu tiêu dùng. Trường
hợp bạn muốn biết phong cách xưa (của Châu Âu) là thế nào thì chắc phải hỏi bác
Google để tìm ra kết quả trả về thời điểm ít nhất là 50 năm về trước! Vậy có mâu thuẫn không nếu thời trang Châu Âu thập niên những năm 80 được liệt kê vào Vintage Style? Câu trả lời sẽ thuộc về các bạn!